HỌC ĐÀN, XIN ĐỪNG ĐỐT CHÁY GIAI ĐOẠN - BOWMAN PIANO VIỆT NAM



[ HỌC ĐÀN, XIN ĐỪNG ĐỐT CHÁY GIAI ĐOẠN ]

Người mới học đàn, kể cả là trẻ em hay người lớn đa phần đều có tâm lý khá vội vàng, đặc biệt là với các phụ huynh đang có con em theo học đàn thì vấn đề này lại càng là điều khó tránh khỏi. Nhìn theo một cách khách quan thì điều này thực ra rất dễ hiểu, vì phụ huynh thì đầu tư tiền bạc, thời gian, học viên thì đầu tư công sức. Trong thời đại trên Internet thì tràn lan thông tin về thần đồng A, thiên tài B, nhìn ra xung quanh thì toàn những "con nhà người ta" vừa giỏi giang, đẹp đẽ, lại thành thạo hết môn nọ đến môn kia thì không sốt ruột sao được??? Mà từ sốt ruột lại đâm ra so sánh, rồi vô tình tạo thành áp lực lên cả người học lẫn người dạy, vậy là một vòng luẩn quẩn vội vàng không hồi kết...




Phụ huynh thì sốt ruột: "Hôm nay con đã học thêm được bài nào mới chưa?", "Sao bài nhạc có mấy phút mà học mãi không xong thế nhỉ?", "Đến bao giờ con mới thành thạo được đây???"
Học viên cũng sốt ruột: "Sao thầy/cô cứ bắt luyện ngón với gõ nhịp mãi thế nhỉ?, "Đến bao giờ thì mình mới được tập sang bài mới đây ta? Sao bài này tập chán lắm rồi mà thầy/cô vẫn chưa ưng nhỉ????"
Giáo viên cũng lại sốt ruột: "Làm thế nào để học viên tiến bộ nhanh mà vẫn phát triển được đầy đủ kỹ năng cần thiết đây?", "Sao sửa mãi rồi mà nhịp phách vẫn tùm lum thế này?", "Ôi thế tay, cổ tay, sao cứ nghỉ học vài hôm là ngón lại gãy hết cả ra thế kia??? Vậy là phải sửa lại từ đầu à? Trời ơi...!!!"

Rồi cũng chính từ những nỗi sốt ruột ấy mà có những người làm nghề giảng dạy "đành phải ẩu" để chiều lòng phụ huynh và giữ được học viên. Họ chạy theo số lượng, miễn làm sao dạy được càng nhiều bài càng tốt, còn chất lượng bài thì... "thôi cứ để tính sau!". Nhịp phách chưa chuẩn à? Có sao đâu, phụ huynh nghe cũng chẳng biết! Lỗi kỹ thuật à? Thôi có lỗi tí chắc cũng chẳng sao đâu, đằng nào học viên càng không chắc kiến thức thì càng dạy được lâu mà, lo gì???
. . .

Có đôi lần mình cũng từng bị lung lay ý chí, vì áp lực, vì mệt mỏi. "Hay là cũng cứ ẩu quách đi cho xong???" Nhưng rồi nghĩ lại mục đích khi mình bắt đầu làm công việc này, lại tự dặn mình phải vững vàng hơn nữa. Suy cho cùng, âm nhạc vẫn là một loại ngôn ngữ để kết nối tâm hồn, để thể hiện cảm xúc, để con người ta thêm yêu cuộc sống và gần lại với nhau hơn cơ mà? Chứ đâu phải là một cuộc chiến hay một cuộc chạy đua để xem ai về đích trước, ai chạy được số km dài hơn đâu???

Học đàn hay học bất kể cái gì cũng thế, có nền móng vững chắc thì bức tường xây lên mới bền lâu được. Học bài bản cũng được, không bài bản cũng được. Học cổ điển cũng được, nhạc nhẹ cũng được. Học để theo chuyên nghiệp cũng được, giải trí cũng được. Chỉ xin đừng cẩu thả, và đừng đốt cháy giai đoạn!

[ Lời chia sẻ từ cô giáo dạy Piano - Lệ Thuỷ ]
#LeThuy #PianoCoThuy

 

Tin cùng chuyên mục

GIấy chứng Nhận